5 năm làm nhân viên văn phòng của chàng trai tự kỷ

  • 07/04/2023 18:14:13

Hà Nội8h30, Quang Huy ôm hai chồng tài liệu cao ngang ngực đặt lên bàn, bắt đầu công việc trong ngày tại một công ty gia công kim loại.

Hà Nội8h30, Quang Huy ôm hai chồng tài liệu cao ngang ngực đặt lên bàn, bắt đầu công việc trong ngày tại một công ty gia công kim loại.

Khi Huy ngồi vào bàn, cấp trên của cậu, chị Vũ Thị Mai Hương quay sang nói: "Sáng nay Huy nhập dữ liệu công việc nhân viên. Làm xong thì sắp xếp hợp đồng theo từng bộ phận để trình ký".

Chàng trai bắt tay luôn vào việc. Lật giở những tệp giấy ghi chi tiết công việc trong ngày của từng nhân viên, Huy nhập vào file Excel trên máy tính. "Em còn nhập và tính toán công suất, đơn giá khoán sản phẩm trong các bước công việc được khoán của nhân viên. Đầu tháng em bấm phiếu lương cho nhân viên", Quang Huy, 24 tuổi, nói.

5 năm làm nhân viên văn phòng của chàng trai tự kỷ

Lê Quang Huy đang nhập dữ liệu công việc của nhân viên, hôm 28/3, tại một công ty gia công kim loại ở Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phan Dương

Lê Quang Huy mắc chứng tự kỷ bẩm sinh, gia nhập công ty năm 2019, hỗ trợ công việc cho chị Hương, chuyên viên hành chính, phụ tránh mảng sổ sách lương. Chị Hương cho biết tốc độ làm việc của Huy không nhanh như người thường nhưng công việc liên quan đến tỉ mỉ, chính xác chưa bao giờ sai. Tính ngăn nắp và khoa học, tài liệu qua tay Huy lúc nào cũng vuông vức.

Hàng tháng Huy sẽ gấp và bấm các phiếu lương của hơn 600 nhân viên với mục đích bảo mật, trước khi phát cho từng người. Bằng một cách nào đó chàng trai có thể gấp các phiếu lương với các góc vô cùng khít. "Nhiều lúc chúng tôi bảo không cần phải gập đẹp như vậy nhưng cậu ấy vẫn gập cả trăm cái như một", chị Hương chia sẻ.

Một đồng nghiệp khác cũng cho biết thời gian đầu Huy khép mình, cả ngày cũng không nói một câu. Đến nay cậu đã biết thể hiện chính kiến và phản bác những gì không phải lỗi của mình hoặc không thích. Ngôn ngữ cũng đa dạng, đôi khi khiến mọi người giật mình vì những từ nói ra.

Chàng trai còn có biệt tài nhớ chính xác giờ giấc. Mỗi ngày đúng giờ giải lao 10h sáng và 3h chiều, Huy luôn cất tiếng phá tan bầu không khí.

Lê Quang Huy ở hiện tại là niềm tự hào khiến mẹ cậu, chị Lê Mai mỉm cười mỗi khi nghĩ đến. Nhưng hai thập kỷ trước, cậu là nỗi đau, lo lắng và sợ hãi.

Chị Mai sinh Huy ở tuổi 35. Con chào đời khỏe mạnh, hơn một tuổi biết bi bô, chạy nhảy nhưng đi nhón chân, không giao tiếp mắt. Nhiều khi mẹ gọi mà Huy không phản ứng. Ban đầu gia đình nghĩ con điếc, nhưng rồi nhanh chóng kết luận không phải vì một khi thích cái gì, con bắt sóng rất nhanh, ví như ôtô hoặc những vật quay.

Càng lớn, Huy càng tăng động. Trong nhà mọi đồ vật đều phải để lên cao, đến cả ổ điện và chốt cửa cũng phải nâng. Những chiếc tủ tháo tung kính vì lo sợ cậu bé đâm uỳnh uỳnh. "Có lần con vẫn thoát được ra ban công tầng hai nằm vắt vẻo. Có lần con lôi thùng xà phòng 3 kg rải xuống đường. Con chui vào cả tủ lạnh, đu bám cánh cửa", chị Mai, 59 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.

Quang Huy được Bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán tự kỷ Autism Spectrum Disorder - ASD) lúc 2,5 tuổi. Đây là một dạng rối loạn thần kinh và não bộ tồn tại suốt đời, dẫn đến nhiều khó khăn trong giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi, sở thích lặp lại.

Tự kỷ là một phổ rộng, có các mức độ từ rất nặng đến rất nhẹ. Theo CDC Mỹ, 2-7% trẻ em trên thế giới mắc ASD và tỷ lệ trẻ trai mắc gấp 4 lần trẻ gái. Ở Việt Nam ước tính có khoảng một triệu người tự kỷ, theo Tổng cục Thống kê năm 2019. Một thống kê của ngành giáo dục năm 2020 cho thấy tự kỷ chiếm 30% trẻ khuyết tật trong trường học.

5 năm làm nhân viên văn phòng của chàng trai tự kỷ

Huy đang học đàn khi 14 tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp

Hai thập kỷ trước từ "tự kỷ" vô cùng xa lạ với các bậc phụ huynh. Hàng đêm sau khi cho con đi ngủ, chị Mai vào máy tính tìm hiểu về hội chứng. Chị trực tiếp đến khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm để học hỏi kiến thức, sau đó trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, thành lập năm 2002.

Cậu lạc bộ dịch sách, chia sẻ cho nhau kiến thức, các cách nuôi dạy con. Họ tổ chức hội thảo, mời chuyên gia về tự kỷ từ nhiều quốc gia sang Việt Nam thăm khám, chữa trị, hướng dẫn cách dạy con.

Hồi đó bất cứ ai mách gì, chị Mai đều cho con đi. Có một thời gian dài Huy bấm huyệt, không biết giúp ích được gì mà nhìn con đau, mẹ cũng thấy như kim đang châm lên da thịt mình. Có đợt bé tiêm thuốc ở một bệnh viện về càng thêm tăng động. "Thuốc vào khiến con y như chiếc xe mất phanh, chạy tốc độ cao không gì cản được", chị kể. Chị cho con theo nhiều phương pháp, thậm chí có lần đưa con ra nước ngoài chữa trị.

Huy học nhanh khi được dạy trực quan nên bố mẹ thường đưa ra ngoài chỉ tận mắt. Thời gian đầu không hề dễ dàng. Nhiều lần cậu bé vùng tay băng qua đường hoặc chạy tót lên tầng của nhà khác. Từ khoảng 7 tuổi, Huy trở nên trầm tính, biết nghe lời hơn.

Gia đình cũng thấy may vì từ mẫu giáo Huy đã được học hòa nhập. Tuy nhiên nhiều lúc họ cũng tủi thân khi mỗi lần có đợt thanh tra, con sẽ phải nghỉ học hoặc đưa sang phòng riêng để tránh ảnh hưởng thành tích của lớp. Cậu bị bạn bè bắt nạt, tụt quần, xui làm việc xấu.

Năm lớp 6, Huy bị một bạn ở lớp bạo hành, có hôm về sưng tím ở người. Xót con, nhưng người làm cha làm mẹ này không thể đòi công bằng. "Tôi đã đến gặp bạn học sinh đó nói về tình trạng của Huy là người yếu thế và cần sự bảo vệ, giúp đỡ đối với Huy. Từ đó con không còn bị đánh nữa", chị Mai kể.

Ngoài học ở trường, Huy còn tham gia một lớp riêng cho các bạn tự kỷ với giáo viên chuyên biệt. Hết lớp 9, cậu dừng học ở trường, chỉ tiếp tục lớp học ngoài. Lúc này nhóm giảm tải dạy văn hóa, chú trọng hơn giao tiếp và kỹ năng sống bằng các buổi dạy đi xe bus, siêu thị, bảo tàng, nấu ăn, dọn nhà. Ngoài ra, Huy cũng có thầy cô dạy đàn, thể thao. Đến nay, chàng trai có thể làm được hầu hết các công việc nhà, chăm sóc bản thân và nấu được những món đơn giản.

Chị Lê Mai thừa nhận, những kiến thức áp dụng lên con như một nồi lẩu thập cẩm, không chắc phương pháp nào thực sự mang lại hiệu quả, nhưng thông điệp chị muốn nói cha mẹ chính là người thầy tốt nhất của con mình. "Hãy kiên trì, chăm chỉ, không bỏ cuộc chắc chắn sẽ gặt hái được những kết quả ngoài mong đợi", người mẹ chia sẻ.

Năm 2017, nhận thấy con xử lý máy tính nhanh nhạy, mỗi tuần một hai buổi chị Mai dẫn tới cơ quan làm quen dần môi trường văn phòng. Năm 2019, chị xin cho con vào đây làm như một nhân viên chính thức. "Người tự kỷ làm các công việc theo lộ trình, theo thói quen, không lắt léo sẽ không có vấn đề gì. Cũng như nhiều cha mẹ khác có hoàn cảnh như tôi: muốn bảo vệ, che chở cho con, song cuộc sống không phải lúc nào cũng như robot được lập trình sẵn. Tôi biết mình không thể bao bọc mãi cho con được", chị nói.

Các năm gần đây khi Huy đã là một thanh niên, người mẹ tập buông con ra. Hàng ngày ở cơ quan cậu có đồng nghiệp hỗ trợ. Chiều tan làm về, một thầy giáo thể dục sẽ luyện tập thể thao cùng Huy, đồng thời đóng luôn "chuyên gia tâm lý" lắng nghe và dạy kiến thức giới tính.

Quang Huy cho biết, cậu không gặp khó khăn gì trong công việc. Riêng việc kết bạn, làm quen không dễ dàng, dù rất muốn. Được dạy khi gặp một cô gái mình thích không được nhìn chằm chằm, mà đến chào hỏi, làm quen. Huy làm tốt khâu này, tuy nhiên sau khi xin được Facebook hay số điện thoại, cậu không biết làm thế nào tiếp theo. "Học tán gái khó lắm", chàng trai nói.

Hai tối nay, Quang Huy đang tập kịch bản để chuẩn bị làm MC cho sự kiện Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ, được tổ chức tại Thừa Thiên Huế đầu tháng 4. Huy cho biết đang vô cùng háo hức và không lo lắng gì vì từng làm MC nhiều lần. Ngoài dẫn chương trình, cậu sẽ tham gia chạy và bơi.

"Em cố gắng phá kỷ lục của mình trong hội thi trước. Lần đó em được giải nhất chạy", cậu nói.

Phan DươngTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Nguồn vnexpress.net

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

5 năm làm nhân viên văn phòng của chàng trai tự kỷ - Đời Sống

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều