Virus corona dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên kể từ khi xuất hiện triệu chứng bệnh và có thể tồn tại gần 1 tháng trong cơ thể bệnh nhân, theo nghiên cứu mới tại Hong Kong.
Virus corona dễ lây lan nhất trong tuần đầu tiên kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh, điều này có thể giải thích phần nào lý do tại sao dịch viêm phổi lan nhanh mất kiểm soát như hiện nay, tờ South China Morning Post trích một nghiên cứu tại Hong Kong.
Các nhà nghiên cứu đánh giá khả năng lây lan dựa trên các mẫu nước bọt của 23 bệnh nhân được xác nhận mắc Covid-19, căn bệnh gây ra bởi virus corona chủng mới, tại hai bệnh viện trong thành phố.
Kết quả cho thấy tải lượng virus ở bệnh nhân - tất cả đều trong độ tuổi từ 35 đến 75 - ở mức cao nhất trong bảy ngày đầu sau khi khởi phát triệu chứng và giảm dần sau đó, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 23/3.
Bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hong Kong và các quan chức đeo khẩu trang trong một buổi họp báo về tình hình virus corona tại Hong Kong. Ảnh: Getty ImagesVirus lây mạnh nhất trong 7 ngày đầu
“Tải lượng virus cao trong tuần phát bệnh đầu tiên cho thấy bệnh nhân có thể dễ dàng lây virus sang cho người khác trước khi nhập viện”, Kelvin To Kai-wang, phó giáo sư lâm sàng tại khoa vi sinh của Đại học Hong Kong cho biết.
Hiện tại, virus corona đã khiến 400.000 người trên khắp thế giới nhiễm bệnh và 16.000 người tử vong, chủ yếu là người già và có thể ở trong cơ thể gần một tháng, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Thậm chí, đã có trường hợp virus đã được phát hiện 25 ngày sau khi bệnh nhân có triệu chứng.
“Virus tiếp tục phát tán trên một phần ba số bệnh nhân của chúng tôi trong 20 ngày hoặc hơn”, ông Kai-wang nói, và cho rằng bệnh nhân có thể phải ở trong các khu vực cách ly lâu hơn.
Tại Trung Quốc, bệnh nhân được theo dõi tại các trung tâm cách ly bắt buộc trong 14 ngày, sau đó xuất viện và tiếp tục quá trình cách ly 14 ngày tại nhà. Tại Hong Kong, bệnh nhân xuất viện không bắt buộc phải tự cách ly sau khi xuất viện, tuy nhiên, các nhân viên y tế sẽ theo dõi sát tiến trình phục hồi của bệnh nhân.
Sự phát tán virus kéo dài không nhất thiết đồng nghĩa bệnh nhân nhiễm virus trong một thời gian dài, vì nghiên cứu trên chỉ phát hiện ra sự hiện diện của bộ gene virus trên bệnh nhân, tức axit nucleic của virus (chứa toàn bộ thông tin di truyền và quyết định khả năng nhiễm trùng của virus), chứ không phải virus sống.
“Tuy nhiên, theo quan điểm kiểm soát nhiễm trùng, chúng tôi cần giả định rằng bất cứ ai được phát hiện mang axit nucleic của virus đều có khả năng truyền bệnh và cần được cách ly để giảm thiểu nguy cơ này”, ông nói.
“Nhưng có thể sẽ không có đủ cơ sở cách ly trong trường hợp có số lượng lớn bệnh nhân mới”.
Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị rằng để chính bệnh nhân tự lấy mẫu nước bọt có thể sẽ an toàn hơn là nhờ nhân viên y tế thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tiêu chuẩn thông qua bằng đường họng và mũi người bệnh.
"Việc thu thập mẫu bệnh phẩm mũi họng có thể gây ho và hắt hơi và là mối đe dọa với sức khỏe của nhân viên y tế”, nghiên cứu viết.
Nguồn xahoi.com.vn