11 năm dành dụm được 400 triệu đồng
Chị Đỗ Thị Thu Huyền (36 tuổi) cũng từng có những ngày tháng khổ sở thuê trọ. Tuy nhiên nhờ một chút liều lĩnh cộng với việc quyết tâm thắt chặt chi tiêu, vợ chồng chị đã sở hữu một căn nhà mặt đất với diện tích 48m2 ở xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cách bến xe Nước Ngầm khoảng 5km.
Chị Huyền là nhân viên truyền thông, còn chồng làm nhân viên kinh doanh của một công ty bánh kẹo. Chị quê ở Hưng Yên, còn chồng người Hà Tĩnh.
Năm 2008, hai anh chị kết hôn sau ba năm hẹn hò, tìm hiểu. Gia đình đôi bên đều không có điều kiện nên anh chị xác định phải tự lực cánh sinh.
Sau 11 năm thuê trọ, vợ chồng chị Huyền quyết định vay mượn thêm để mua nhà. (Ảnh: H. A)
Ngay từ thời điểm kết hôn, cả hai đã đặt mục tiêu mua nhà Hà Nội nên luôn cân nhắc mỗi khoản chi tiêu. Thay vì thuê trọ ở các quận trung tâm, cả hai thuê một căn phòng nhỏ ở khu vực xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì).
Công ty anh Toàn, chồng chị Huyền có trụ sở ở quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, vì là nhân viên kinh doanh nên lịch trình của anh không cố định. Anh thường đi khảo sát thị trường, làm việc với đối tác nên việc trọ ở một xã ngoại thành không khiến anh cảm thấy bất tiện.
Chị Huyền cũng xin vào làm cho một công ty gần nơi trọ. Tuy nhiên, khi bé thứ ba ra đời, cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm vất vả.
Vốn là cử nhân Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2015, chị Huyền quyết định quay về Hưng Yên đi dạy học để có thêm sự trợ giúp từ bố mẹ đẻ. Chị Huyền đưa 3 con về quê cùng mình. Thời gian này, anh Toàn vẫn đi làm trên Hà Nội.
"Lúc ấy tôi cũng nghĩ hay là về quê mua đất xây nhà vì ở Hà Nội mãi thì bao giờ mới có nhà riêng? Ba đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học", chị Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, được một thời gian, nhận thấy công việc của hai vợ chồng mỗi người một nơi sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Chồng ở xa, kinh tế khó quản lý, kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn.
Sau 3 năm gắn bó với nghề dạy học, chị Huyền trở lại Hà Nội để tìm cơ hội cho mình và cũng để ổn định cuộc sống gia đình. Lúc này hai vợ chồng chị tính đến chuyện mua nhà.
Chị Huyền mong muốn các con có không gian riêng học tập, nghỉ ngơi. (Ảnh: H. A).
"Lúc ấy, nghĩ đến cảnh nuôi 3 con ăn học ở mảnh đất thành thị là vô vàn khó khăn, tốn kém, vợ chồng tôi lo lắm. Nhưng rồi cả hai tự nhủ cũng phải liều, bởi có "an cư thì mới lạc nghiệp". Nếu chờ đủ tiền thì giá nhà đất sẽ tăng, chẳng biết bao giờ mà mua được", chị Huyền nói.
Năm 2019, sau 11 năm kết hôn, hai vợ chồng chị dành dụm được 400 triệu đồng. Cả hai tất tưởi đi tìm nhà. Lúc đầu, họ nghĩ đến việc vay mượn, mua chung cư để có nhà ở luôn.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, cả hai lại lựa chọn mua nhà đất. "Mua chung cư thì hàng tháng phải đóng tiền phí dịch vụ, cũng chẳng khác thuê nhà là bao nên chúng tôi quyết định mua nhà đất", chị Huyền cho hay.
Phải liều và phải biết chịu khổ
Bài toán lúc này đặt ra với họ là phải tính toán làm sao để mua được căn nhà hợp với túi tiền, sau khi mua thì phải lo được tiền trả nợ, tiền nuôi con ăn học…
Trong túi có chỉ có vỏn vẹn 400 triệu đồng nhưng hỏi chỗ nào chủ đất cũng báo giá trên 1 tỷ đồng. Những miếng đất dưới 1 tỷ thì thường trong ngõ cụt, thế đất xấu, khó thiết kế, ngõ vào bé tý, tối tăm…
"Lúc ấy, thu nhập của hai chúng tôi chỉ tròm trèm 20 triệu đồng. Trung bình mỗi người 10 triệu đồng/tháng. Tôi bàn lùi với chồng hay là thôi để một vài năm nữa chứ mua nhà rồi lấy tiền đâu mà sống? Nhưng khổ nỗi nhà 3 đứa con, các con đã lớn cũng phải có không gian riêng, không thể ở mãi cảnh hai đứa nhỏ nằm trên giường với mẹ, đứa lớn và bố nằm đệm dưới đất. Sau nhiều đêm mất ngủ, chúng tôi lại quyết tâm mua".
Sau 3 tháng tìm hiểu qua bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng chị Huyền đã mua được căn nhà 48m2 với giá 1,1 tỷ đồng vào tháng 6/2019. Căn nhà ống có mặt tiền gần 5m, được chủ cũ xây thô 1 tầng.
Chia sẻ về phương án tài chính lúc đó, chị Huyền cho biết, ngoài 400 triệu tích góp, chị vay ngân hàng 500 triệu đồng, số còn lại là vay người thân, bạn bè mỗi người vài ba chục triệu đồng. Lãi suất ngân hàng năm đầu là 9%; bắt đầu từ năm thứ hai là 11%. Gia đình chị Huyền vay ngân hàng gói 10 năm, mỗi tháng trả cả gốc lãi khoảng 8 triệu đồng.
Sau khi nhận nhà, hai vợ chồng chị Huyền phải bỏ ra 100 triệu đồng tu sửa, mua một số vật dụng mới có thể vào ở được. Chị chia tầng 1 thành ba khu: Phòng khách, một phòng ngủ nhỏ, sau cùng là khu bếp và vệ sinh. Vì kinh phí hạn hẹp chị không xây tầng 2 mà thiết kế một gác xép rộng khoảng 25m2. Nơi đây là sẽ là phòng ngủ và phòng học tập của các con. Đồ đạc trong nhà, chị Huyền sắm đủ dùng vì ưu tiên mục tiêu trả nợ trước tiên.
Sau khi có được căn nhà nhỏ, vợ chồng chị Huyền càng thắt chặt chi tiêu để có thể vừa lo trả nợ, vừa nuôi con ăn học.
Thu nhập trung bình của cả hai hiện tại khoảng 25 triệu đồng, đôi khi họ có thêm những khoản thưởng, phụ cấp (tuy nhiên khoản này không nhiều).
Cả hai phân chia lương của vợ để trả nợ, còn lương của chồng thì lo ăn uống, đóng học cho con và tiền đám hiếu, đám hỉ.
Tiền học của ba con chị Huyền hết khoảng 8 triệu đồng, các bé đều học trường công. Chị chỉ cho con học thêm duy nhất môn tiếng Anh, con gái lớn học thêm một vài môn tự nhiên khi lên cấp hai.
Ngoài ra, việc tụ tập ăn uống, đi chơi, mua sắm cũng được chị Huyền hạn chế. Để tiết kiệm, hàng ngày chị giới hạn tiền ăn chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày cho gia đình 5 người (một tháng khoảng 4,5 triệu đồng).
Chị thường mua thức ăn từ quê mang lên tích trữ trong tủ lạnh ăn dần.
Chia sẻ về kinh nghiệm mua nhà, chị Huyền cho rằng: "Tôi nghĩ nếu chờ đủ tiền để mua nhà chắc khó lắm, giá nhà, đất thì ngày một tăng trong khi tiền lương thì có tăng như vậy đâu. Nhiều khi chúng ta phải liều, phải chấp nhận khó khăn để có cuộc sống ổn định hơn về sau".
Chị Huyền cũng chia sẻ, đầu năm 2022, chị vay được của người quen 200 triệu đồng mức "lãi suất người nhà" chỉ 6,5% nên đã đem khoản này đi trả nợ ngân hàng. "Tôi chấp nhận chịu một ít tiền phạt. Người nhà vừa cho vay, vừa giúp đỡ nên chỉ lấy lãi chút ít. Nhờ vậy tôi cũng đỡ áp lực hơn.
Hiện tại hai vợ chồng tôi còn nợ gần 400 triệu đồng nữa. Tôi hy vọng có thể trả hết trong ba năm tới. Lúc ấy, hai vợ chồng mới có thể kê cao gối ngủ được. Nhà tôi dù đơn sơ, đồ đạc còn chưa nhiều, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm áp và an bình khi trở về bởi không còn phải chịu cảnh sống tạm bợ, chật chội trong các khu phòng trọ nữa", chị Huyền nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Nguồn dantri.com.vn