Suýt mất chân do chủ quan sau va chạm trên sân bóng

  • 09/12/2023 09:00:06

Một tháng sau khi đá bóng, nam thanh niên bất ngờ thấy khoeo chân bị sưng lên đau đớn. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân chỉ cần đến thăm khám muộn hơn chút là phải cắt bỏ chân.

Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi, Hà Nội) cho biết, cách đây hơn 1 tháng anh đá bóng và bị sút vào khoeo chân. Về nhà anh có bị đau chân một chút nhưng vì nghĩ là chấn thương nhẹ trong thể thao nên anh Nam chủ quan không đi thăm khám.

Thời gian gần đây, anh bất ngờ thấy khoeo chân bị sưng lên bất thường, đau đớn nên vội vàng tìm đến bác sĩ.

Suýt mất chân do chủ quan sau va chạm trên sân bóng

Ảnh minh họa

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, qua siêu âm phát hiện khối giả phình động mạch ở khoeo chân.

"Khối giả phình này là do động mạch bị vỡ không hoàn toàn, dù không dẫn đến tắc mạch nhưng hình thành khối phình lên. Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình đá bóng, bệnh nhân bị bóng đập mạnh vào khoeo chân dẫn đến tổn thương động mạch", BS Mạnh phân tích.

Theo chuyên gia này, khoeo chân là vùng đặc biệt nhạy cảm. Đây là nơi mềm nhất, lộ nhất, các tổ chức như mạch máu, dây thần kinh ở vị trí này nằm rất nông và không có các tổ chức cơ, xương bảo vệ.

Do đó, khi đá bóng, nếu bệnh nhân bị đối thủ tác động, hoặc bóng đập mạnh vào vùng này cũng có thể dẫn tới tổn thương động mạch.

Nếu không được điều trị kịp thời, theo BS Mạnh, khối giả phình động mạch này có nguy cơ vỡ dẫn đến chảy máu ồ ạt. Một nguy cơ thứ hai là do vị trí phình lên sẽ khiến mạch máu gồ ghề, khúc khủyu có thể gây tắc động mạch hoặc tĩnh mạch.

Việc tắc hai loại mạch máu này đều có thể dẫn đến nguy cơ chân hoại tử, phải cắt chân.

Với trường hợp bệnh nhân Nam, theo BS Mạnh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật và nối lại mạch máu đoạn bị phình. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng thuốc chống đông trong 10 ngày mới được xuất viện.

"Sau khi xuất viện, bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng thuốc chống đông trong vòng 3 tháng để dự phòng đến khi vùng khâu nối mạch máu ổn định trở lại. Sau đó, bệnh nhân tái khám nếu các kết quả đảm bảo mới ngưng thuốc", BS Mạnh chỉ rõ.

Từ trường hợp này, theo BS Mạnh, khi chơi các môn thể thao vận động mạnh như bóng đá cần đặc biệt lưu ý hạn chế các va chạm mạnh, đặc biệt là ở vùng khoeo. Sau va chạm nếu có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám.

Suýt mất chân do chủ quan sau va chạm trên sân bóng

BS Mạnh thăm khám cho một bệnh nhân (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Mạnh cho biết thêm về một tình trạng hay gặp khác khi chơi thể thao, tập luyện quá mức là huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông).

Triệu chứng cảnh báo ban đầu thường rất dễ bỏ qua như hay mỏi và chuột rút chân bất thường.

Cách phân biệt rõ ràng nhất với đau cơ là người bệnh thường chỉ đau ở bên chân trái thay vì đau cả hai chân như đau cơ bình thường.

Lúc này nên đi thăm khám để được phát hiện bệnh kịp thời (nếu có). Nếu để đến khi chân bị phù thì huyết khối đã hình thành, bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn, hậu quả vô cùng nặng nề.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết khối. Đáng chú ý, một trong số đó là do tập luyện quá mức.

"Khi tập thể hình, chơi thể thao quá mức sẽ khiến các cơ, đặc biệt cơ chân phát triển mạnh và vô tình chèn ép tĩnh mạch sâu, cản trở máu từ chân đến tim, gây tổn thương và dần dần hình thành huyết khối.

Nếu không được điều trị kịp thời, huyết khối lan dần lên trên sẽ rất nguy hiểm. Đáng nói vấn đề này thường ít được người chơi thể thao để ý đến, mà phần lớn chỉ quan tâm vấn đề liên quan đến cơ xương khớp", BS Mạnh nhấn mạnh.

-->> Suýt mất chân vì nhầm bệnh tuổi giàThúy Ngà

Nguồn giadinhonline.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Suýt mất chân do chủ quan sau va chạm trên sân bóng - Sức Khỏe

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều